Cách mạng Công nghệ 4.0 được nhắc đến rất nhiều trên truyền thông, báo chí và cả mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc “đổi đời” của rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới và cả Việt Nam. Vậy cuộc cách mạng này có điều gì đặc biệt đến vậy? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. Công nghệ 4.0 là gì?
Cách mạng Công nghệ 4.0 chính là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với hàng loạt các công nghệ mới được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống. Cuộc cách mạng này mang đến những thay đổi lớn đến nhân loại thông qua việc ứng dụng và thay thế các hoạt động truyền thống.
2. Công nghệ 4.0 gồm những gì?
Một số sản phẩm tiêu biểu của công nghệ số 4.0 như: AI trí tuệ nhân tạo, robot tự động, internet vạn vật, công nghệ in, công nghệ nano,… Công nghệ 4.0 chủ yếu tập trung về kết nối, tự động hóa, máy móc và dữ liệu. Ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề và các lĩnh vực hiện nay, từ kinh tế, giáo dục, sản xuất,…
Xem thêm:
3. Lịch sử của 4 cuộc cách mạng công nghiệp
Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau:
“Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.
4. Cách mạng công nghiệp sẽ diễn ra như thế nào?
Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng công nghệ 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano hay metaverse
Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.
5. Cơ hội và thách thức toàn cầu
Mặt trái của công nghệ số 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đặt ra vấn đề này theo các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi.
Sau đó, những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.
Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Cách mạng công nghiệp lần 4 mang đến cơ hội, và cũng đầy thách thức với nhân loại.
Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam
Thách thức
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt trong thời đại 4.0 chính là nền tảng cơ sở hạ tầng và năng lực. Nền tảng công nghệ tại các doanh nghiệp Việt còn yếu, cần đến nguồn ngân sách, nhân lực và thời gian dài mới có thể nâng cấp và đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Không những thế cuộc cách mạng 4.0 cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ, tăng sức cạnh tranh, khiến một số doanh nghiệp phải chịu chung số phận “cá lớn nuốt cá bé”.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất việc đầu tư đồng bộ, thay thế nhân công bằng các thiết bị máy móc cần đến khoản chi phí khổng lồ. Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tái cấu trúc nhân sự, tinh giản biên chế. Nhân sự tại các doanh nghiệp còn yếu kém, chưa có kỹ năng sử dụng thành thạo các công cụ và phần mềm mới, gây ảnh hưởng đến quy trình làm việc và chất lượng công việc. Và thách thức cuối cùng chính là phần lớn các doanh nghiệp Việt còn đang loay hoay không biết phải thay đổi những gì, thay đổi như thế nào để phù hợp với thời cuộc.
Cơ hội
Bên cạnh đó cơ hội và tiềm năng mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho các doanh nghiệp Việt cũng không hề nhỏ. Một thời cơ để doanh nghiệp Việt thoát khỏi cái mác “lạc hậu”, yếu kém về công nghệ và quản lý, trở nên hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Thông qua các công cụ phần mềm quản lý, cũng như trang thiết bị sản xuất và dây chuyền công nghệ thông minh các doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh sản phẩm với doanh nghiệp nước ngoài, nâng cao uy tín và doanh thu.
Công nghệ 4.0 đang gõ cửa từng nhà, từng công ty, doanh nghiệp Việt. Liệu các doanh nghiệp đã sẵn sàng mở cửa đón chào vị khách đặc biệt này không hay vẫn đóng cửa chịu thua trong vòng an toàn của mình?